Hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên rất dễ bị táo bón. Táo bón nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Theo viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, táo bón là tình trạng trẻ đi cầu ít hơn 3 lần/tuần. Mỗi lần đại tiện thường kèm theo các biểu hiện: phân khô cứng, đau rát hậu môn, đầy bụng, thậm chí có thể có lẫn máu ở trong phân… Táo bón không phải là bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Nguy cơ bị bệnh trĩ
Táo bón lâu ngày với biểu hiện là phân cứng khiến mỗi lần đi vệ sinh đều tạo áp lực lớn lên thành hậu môn. Cộng với hiện tượng phân bị ứ đọng trong trực tràng ngăn cản dòng máu chảy ra từ tĩnh mạch hậu môn nên rất dễ bị bệnh trĩ.
Mỗi lần trẻ đi vệ sinh đều cần cố gắng hết sức để rặn đẩy phân ra ngoài khiến thành bụng và hậu môn đều chịu áp lực lớn. Điều này khiến cho các tĩnh mạch bị giãn ra và bị đẩy khỏi vị trí ban đầu dẫn đến hình thành các búi trĩ. Ban đầu có thể là trĩ nội sau đó sẽ thành trĩ ngoại thậm chí là trĩ hỗn hợp.
Nguy cơ nứt hậu môn
Nứt hậu môn là một trong những biến chứng điển hình của bệnh táo bón kéo dài. Đây chính là hậu quả của việc cơ vòng hậu môn bị phân cứng tác động một thời gian dài. Nứt hậu môn khiến trẻ bị đau rát, ngứa ngáy hậu môn thường xuyên. Biến chứng này có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm hơn nữa đó là áp xe hậu môn gây nhiễm trùng…
Nguy cơ sa búi trực tràng
Táo bón khiến trực tràng bị giãn ra bởi sự tích tụ một lượng phân lớn lâu ngày tại đây. Điều này khiến cho các cơ trực tràng mất khả năng quay trở lại kích thước ban đầu ngay cả khi phân đã được thải ra ngoài. Dần dần sẽ hình thành một khối nhỏ hồng, căng bóng nhô ra khỏi hậu môn. Người bị bệnh này luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi do luôn bị rò rỉ một lượng chất nhầy, ngứa, thậm chí mỗi lần đại tiện đều kèm theo máu.
Nguy cơ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn
Đây là điều khó tránh khỏi khi táo bón lâu ngày gây biến chứng nứt hậu môn. Nấm và vi khuẩn được hình thành từ sự tiếp xúc giữa phân với các vết nứt hay do vệ sinh không sạch sẽ sau khi đại tiện.
Trực tràng và hậu môn là một trong những khu vực chứa nhiều vi khuẩn nhất cơ thể. Vì thế khi gặp những điều kiện thuận lợi như có búi trĩ, vết nứt hậu môn… chúng sinh sôi và gây ra viêm nhiễm nấm ngứa.
Gây biếng ăn
Khi bị táo bón phân tích tụ lại sẽ gây hiện tượng chướng bụng ở trẻ khiến trẻ mất đi cảm giác ngon miệng, dẫn đến chán ăn, khó tiêu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ biếng ăn, kém hấp thụ, nguy cơ suy dinh dưỡng.
Suy giảm sức đề kháng
Cũng chính vì biếng ăn, kém hấp thụ mà trẻ không thể cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết. Vì thế, sức đề kháng của trẻ cũng bị kém đi. Cùng với đó, việc chất thải không được đưa ra ngoài cũng khiến các chất độc và cặn bã cũng không thể thoát ra, gây hại cho cơ thể.